Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá toàn cầu, ngành di sản đang đứng trước nhiều thách thức. Chương trình thạc sĩ Di sản học tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội được xây dựng với cách tiếp cận hiện đại, liên ngành, nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành. Đây cũng được coi là chìa khoá quan trọng cho sự bền vững lâu dài của di sản tại Việt Nam.
Di sản học là gì? Bối cảnh lĩnh vực di sản học tại Việt Nam
Di sản học là một lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng có tính liên ngành cao, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều ngành trong khối Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tự nhiên và Công nghệ, Kiến trúc và Quy hoạch, Quản lí – Kinh tế – Luật, sinh thái cảnh quan, địa chất và môi trường, công nghiệp sáng tạo… Di sản học không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ và giữ gìn các công trình kiến trúc, các hiện vật lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên, mà còn chú trọng đến việc duy trì các giá trị văn hóa, tập quán, và tri thức truyền thống, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội hiện tại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và quá trình đô thị hóa, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ bị mai một hoặc biến mất. Điều này đòi hỏi những người làm công tác di sản phải có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng chuyên nghiệp để đảm bảo rằng các giá trị di sản được bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc một cách thống nhất và hài hòa của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Thạc sĩ Di sản học: giải quyết nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ngành di sản
Thực tế cho thấy công tác quản lí, bảo tồn di sản hiện nay còn nhiều hạn chế. Việc quản lí di sản chủ yếu dựa trên các văn bản pháp quy, theo ngành dọc của các bộ, ngành chủ quản mà thiếu tính liên thông cũng như thiếu sự nhìn nhận khách quan, thiếu sự tham gia, vào cuộc từ phía cộng đồng và xã hội. Nhìn xa hơn, nguồn nhân lực trong hoạt động di sản ở Việt Nam còn thiếu hụt về số lượng và hạn chế về chất lượng. Điều này dẫn đến tính chuyên nghiệp chưa cao trong công tác quản lí, thực hành và nghiên cứu di sản.
Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của chương trình đào tạo thạc sĩ về di sản học tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình gắn kiến thức chuyên sâu của ngành với việc nhận diện, bảo vệ cảnh quan, không gian, hiện vật, địa điểm, biểu đạt văn hóa tồn tại xung quanh đời sống con người và là một phần của xã hội, tộc người, đất nước. Chương trình nhấn mạnh sự tôn trọng chủ thể di sản và sự đa dạng di sản của các cộng đồng dân tộc. Theo đó, cách tiếp cận của chương trình đào tạo là: Gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản cho hiện tại và tương lai bằng tiếp cận liên ngành để phát triển bền vững.
Tại sao chọn chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học tại Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội?
- Chương trình đào tạo trang bị tư duy và tiếp cận liên ngành, tiên tiến và linh hoạt
Chương trình Thạc sĩ Di sản học tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được thiết kế linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người học cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Với yêu cầu về cách tiếp cận hiện đại đối với công tác quản lí, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản theo hướng phát triển bền vững, công tác đào tạo nguồn lực phục vụ phát triển di sản, do đó, cần có tiếp cận liên ngành và tư duy tổng thể. Chương trình được xây dựng theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng, đều cung cấp một loạt các môn học từ cơ bản đến chuyên sâu, giúp người học nắm vững lý thuyết và áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng đến việc phát triển kỹ năng nghiên cứu, phân tích, và quản lý dự án – những kỹ năng thiết yếu cho một chuyên gia di sản học. Các học phần tiêu biểu có thể kể đến như: Di sản số và nhân văn số, Nghiên cứu văn hóa và di sản, Lượng giá kinh tế về di sản, Bảo tồn và phát triển di sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Truyền thông di sản…
- Đội ngũ giảng viên chuyên môn cao
Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật tự hào với đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đa dạng về kinh nghiệm và lĩnh vực nghiên cứu di sản. Chương trình cũng nhận được sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí, hoạch định chính sách đến từ các đơn vị nghiên cứu và đào tạo bên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể kể đến như: Hội Khảo cổ học Việt Nam; Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia thuộc Bộ Văn hóa; Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… Các giảng viên không chỉ là những chuyên gia hàng đầu trong nước mà còn có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế về bảo tồn và quản lý di sản. Điều này giúp người học có cơ hội tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu và thực tiễn quốc tế, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
- Cơ hội nghiên cứu và thực tập thực tế
Sinh viên tham gia chương trình Thạc sĩ Di sản học tại ĐHQGHN sẽ có cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu và thực tập tại các bảo tàng, công viên di sản, và các tổ chức phi chính phủ liên quan đến bảo tồn di sản. Đây là cơ hội để học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành di sản. Ngoài ra, trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, hội thảo chuyên đề, và các buổi gặp gỡ với chuyên gia trong ngành, giúp người học mở rộng kiến thức và kỹ năng mềm.
Chương trình Thạc sĩ Di sản học tại Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với chương trình đào tạo liên ngành tiên tiến, đội ngũ giảng viên uy tín, và cơ hội thực tập thực tế, người học sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để trở thành những chuyên gia di sản học xuất sắc, góp phần vào sự bền vững lâu dài của di sản quốc gia và quốc tế.
Tham khảo thông tin tuyển sinh Thạc sĩ Di sản học, trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tại đây.