Thương hiệu là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi những năm gần đây ngành quản trị thương hiệu là một trong những ngành hot và luôn được các doanh nghiệp săn đón khi tốt nghiệp. Những trình bày dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò và ý nghĩa quan trọng của thương hiệu:
Thứ nhất, thương hiệu thể hiện sự khác biệt của sản phẩm này so với sản phẩm khác.
Mặc dù đối thủ cạnh tranh có thể sao chép sản phẩm, quy trình, giá cả và các chiến dịch quảng cáo, nhưng họ không thể tái tạo thương hiệu, hay nói cách khác đó chính là niềm tin vững chắc và thái độ ăn sâu vào tâm trí của khách hàng. Thương hiệu giúp người tiêu dùng xác định được nguồn gốc sản phẩm hay nhà sản xuất sản phẩm, từ đó có thể lựa chọn và mua hàng hiệu quả hơn. Do vậy, việc thiết kế thương hiệu phải là duy nhất, với những đặc điểm cá tính riêng, thể hiện được nét đặc trưng của sản phẩm/doanh nghiệp và những gì khác so với đối thủ cạnh tranh. Thông qua đó, người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm và chọn mua theo nhãn hiệu. Ví dụ, khi mua giày, mọi người có thể chọn: giày thể thao của Biti’s, Nike, Adidas,…; Hay giày búp bê của JOTI, Merly, Zara, Mago, Chanel,…mỗi thương hiệu giày đại diện cho các thiết kế, đặc tính sản phẩm khác nhau, thể hiện một phần tính cách, sở thích của người tiêu dùng.
Thứ hai, thương hiệu chính là công cụ để người tiêu dùng ghi nhớ sản phẩm.
Người tiêu dùng cảm thấy hài lòng về sản phẩm thông qua quá trình sử dụng họ có thể sẽ nhớ đến khi cần và mua sản phẩm đó nhiều lần, thậm chí họ sẽ liên tục quảng bá sản phẩm đó cho người thân, bạn bè. Tất cả những hình ảnh, ấn tượng, trải nghiệm của người tiêu dùng về sản phẩm được lưu trữ trong bộ nhớ và tạo cơ sở cho các quyết định tiêu dùng trong tương lai. Một số doanh nghiệp đã tạo dựng được hình ảnh tốt cho thương hiệu của mình, tạo cho họ những cảm xúc tốt đẹp hoặc đại diện cho một nền văn hóa nhất định, để thương hiệu và sản phẩm của họ ghi dấu ấn tốt đẹp trong tâm trí người tiêu dùng.
Thứ ba, thương hiệu giúp người tiêu dùng hình thành sở thích nhãn hiệu.
Thông thường khi mua sản phẩm, người tiêu dùng sẽ chọn nhãn hiệu mà họ đã mua trước đó, hay những sản phẩm mà họ có ấn tượng tốt đẹp, do vậy thương hiệu có vai trò định hướng nhất định đối với người tiêu dùng. Sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng sẽ dễ dàng tăng số lượng tiêu thụ và dễ chiếm lĩnh thị trường. Khi thương hiệu đã có uy tín nhất định, doanh nghiệp có thể sử dụng hiệu ứng thương hiệu để mở rộng thị trường, tăng cường khả năng thích ứng những biến động của môi trường kinh doanh phức tạp. Đặc biệt là thương hiệu còn góp phần phát triển sản phẩm mới, giúp doanh nghiệp chống lại sự tấn công của đối thủ cạnh tranh và duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Thứ tư, thương hiệu có lợi cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Những sản phẩm có thương hiệu tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng. Thương hiệu chiến thắng nhờ chất lượng và thương hiệu thường có ý nghĩa văn hóa và cảm xúc, vì vậy thương hiệu làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Đây chính là lý do vì sao những thương hiệu lớn được người tiêu dùng trên khắp thế giới tin tưởng. Giá trị của những thương hiệu ấy có thể lên tới hàng trăm tỷ USD, ví như năm 2023 Viettel là thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt vào top 500 thương hiệu hàng đầu thế giới, Viettel được định giá là 8,902 tỷ USD, Amazon là thương hiệu đắt giá nhất với trị giá lên tới 299,3 tỷ USD.
Với ý nghĩa quyết định tới sự thành bại trong kinh doanh như vậy mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thương hiệu chính là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Đó cũng chính là lý do vì sao sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị thương hiệu ngay khpi ra trường có được nhiều cơ hội công việc hấp dẫn, chính những nhà quản trị thương hiệu tương lai này sẽ giúp doanh nghiệp có thể xây dựng và phát triển được thương hiệu một cách bền vững.